TAND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ: Giải quyết kéo dài thời gian gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của các đương sự

 Admin    Thứ năm - 08/07/2021 08:24
Trong các số trước, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã đăng tải các bài viết liên quan việc Tòa án nhân dân (TAND) quận Ninh Kiều thụ lý vụ án kinh doanh – thương mại kéo dài từ năm 2016, chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù người tham gia tố tụng đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu đình chỉ vụ án do vi phạm thủ tục tố tụng nhưng vẫn chưa có kết quả.

 

TAND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ: Giải quyết kéo dài thời gian gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của các đương sự - Ảnh 1.

TAND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Vi phạm tố tụng, đương sự yêu cầu đình chỉ vụ án

Ngày 01/4/2021, TAND quận Ninh Kiều ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 241/2021/QĐXXSTKD để xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 116/2016/TLST-KDTM ngày 07/10/2016 về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa", giữa: Công ty TNHH MTV hải sản Thái Bình Dương (Nguyên đơn) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – TP. Cần Thơ (Bị đơn).

Trong Đơn yêu cầu đình chỉ vụ án, ông Lê Thái Học đã viện dẫn hai trường hợp đình chỉ vụ án này trước đó để yêu cầu vụ án phải được đình chỉ: 

Ngày 06/12/2013, TAND quận Ninh Kiều ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại số 60/2013/QĐST-KDTM (thụ lý số 35/2013/ TLST-KDTM ngày 13/3/2013 về việc "Tranh chấp hủy hợp đồng mua bán hàng hóa". Lý do: Vào ngày 06/12/2013, nguyên đơn là Công ty TNHH MTV hải sản Thái Bình Dương có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện đối với toàn bộ vụ án "Tranh chấp hủy hợp đồng mua bán hàng hóa".

Ngày 26/3/2014, TAND quận Ninh Kiều ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại số 05/QĐĐC-KDTM.ST (thụ lý số 17/2013/TLSTKDTM ngày 20/2/2013 về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa". Lý do: Nguyên đơn là Công ty TNHH MTV hải sản Thái Bình Dương có đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với toàn bộ vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa".

Đây là sự tự nguyện của Công ty TNHH MTV hải sản Thái Bình Dương, phù hợp với quy định của pháp luật nên có cơ sở để TAND quận Ninh Kiều chấp nhận và đình chỉ giải quyết vụ án.

Dựa vào cơ sở pháp lý nào, đến ngày 07/10/2016, TAND quận Ninh Kiều lại tiếp tục thụ lý vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 116/2016/ TLST-KDTM theo Đơn khởi kiện ngày 12/01/2016 của Công ty TNHH MTV Hải sản Thái Bình Dương và Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 241/2021/ QĐXXST-KD về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa"? 

Chánh án trả lời đơn yêu cầu đình chỉ vụ án  

Nhằm đảm bảo tính đa chiều, khách quan của thông tin, chúng tôi đăng tải toàn bộ nội dung văn bản số 10/TA-TLĐ ngày 18/6/2021 của Chánh án TAND quận Ninh Kiều trả lời đơn yêu cầu đình chỉ vụ án của ông Lê Thái Học: 

"Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ nhận được "Đơn yêu cầu đình chỉ vụ án" đề ngày 11/6/2021 của ông Lê Thái Học, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn Công ty TNHH MTV Thái Bình Dương với bị đơn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. 

Qua xem xét đơn yêu cầu của ông Lê Thái Học, TAND quận Ninh Kiều trả lời như sau: 

Đối với yêu cầu đình chỉ giải quyết kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số: 116/2016/TLSTKDTM ngày 07/10/2016 của ông Lê Thái Học không thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 48, Điều 219 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ vụ án thuộc Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (trước khi mở phiên tòa và Hội đồng xét xử (tại phiên tòa). Dó đó, TAND quận Ninh Kiều sẽ chuyển đơn yêu cầu đình chỉ giải quyết vụ án của ông Lê Thái Học đến Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, để được xem xét theo quy định của pháp luật". 

Trước đó, ngày 20/5/2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - TP. Cần Thơ đã có Đơn yêu cầu đình chỉ vụ án do vi phạm thủ tục tố tụng gửi TAND quận Ninh Kiều, nhưng đến nay Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn chưa trả lời.

 Có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng dân sự 

Trao đổi với phóng viên, Luật gia Nguyễn Đức Hải – Trung tâm Tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh (Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam) nêu quan điểm như sau: 

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định về người tham gia tố tụng. Trong đó, quy định rõ về nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Việc xác định đúng, đủ tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Bởi mỗi người tham gia tố tụng có một tư cách tố tụng riêng biệt và tương ứng với đó là các quyền và nghĩa vụ mà Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định cho họ.

Trong vụ án này, nếu không xảy ra trường hợp đã bị Tòa án đình chỉ 02 (hai) lần trước đó, thì Bị đơn được xác định là Công ty TNHH Thanh Ngọc, do bà Trần Ngọc Nhanh, chức vụ Giám đốc – người đại diện theo pháp luật. Cần thiết, để làm sáng tỏ sự thật vụ án, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh TP. Cầ Thơ và ông Lê Thái Học sẽ tham gia với tư cách là Người làm chứng. Không phải là Bị đơn hoặc là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như nội dung của Thông báo về việc thụ lý vụa án dân sự sơ thẩm số 116/2016/TLST-KDTM ngày 07/10/2016 về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa". Vụ án kéo dài không thể xét xử do xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, phát sinh mâu thuẫn từ việc Tòa án đã ra Quyết định đình chỉ vụ án hai lần trước đó.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không thể khởi kiện lại để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự trước đó. Trong khi việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật tranh chấp không thay đổi. Trong vụ án này, người khởi kiện, người bị khởi kiện và tranh chấp giữa các bên như nội dung hai vụ án mà TAND quận Ninh Kiều đã đình chỉ giải quyết trước đó và không thuộc trường hợp đương sự có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 429 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng đã hết thời hiệu. Việc thụ lý, đưa vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 116/2016/TLST-KDTM ra xét xử là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

 

Tác giả bài viết: Minh Chánh - Đoàn Duy

Nguồn tin: https://doanhnghieptiepthi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay10,978
  • Tháng hiện tại395,420
  • Tổng lượt truy cập11,630,244
THĂM DÒ Ý KIẾN

Top mạng xã hội cập nhật xu hướng, tin tức, giải trí phổ biến 2020?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây