Chậm xả trạm thu phí khi cao tốc TP.HCM - Long Thành ùn tắc, VEC nói gì?

 Admin    Thứ bảy - 01/05/2021 03:11
Liên quan việc lực lượng tuần tra của Cục Cảnh sát giao thông thông tin đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chậm xả trạm khi ùn tắc, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nói gì về việc này?
Chậm xả trạm thu phí khi cao tốc TP.HCM - Long Thành ùn tắc, VEC nói gì?


Chậm xả trạm thu phí khi cao tốc TP.HCM - Long Thành ùn tắc, VEC nói gì? - Ảnh 1.

Lưu lượng xe tăng đột biến qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết ngày 30-4, lưu lượng xe quá đông, khắp cả nước ùn tắc chứ không phải chỉ kẹt ở mỗi cao tốc. Theo ghi nhận, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải bởi lượng xe thông qua quá lớn, ngày cao điểm đã xấp xỉ cả 100.000 lượt.

"Khi ùn tắc ở trạm thu phí, các đơn vị hiện trường lập biên bản quyết định với nhau và có cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu xả là chúng tôi phải chấp hành. Bản thân Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý cao tốc trên) cũng như VEC không có quyền tự ý xả trạm", vị này nói.

Theo vị này, tại thông tư 15/2020 quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của Bộ Giao thông - vận tải, thẩm quyền tạm dừng thu phí là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Căn cứ theo qui định, đơn vị nào có thẩm quyền đề nghị thực hiện xả trạm thì đơn vị đó chủ trì phối hợp với các bên liên quan quyết định.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam thấy số lượng xe như vậy cần phải xả trạm thì các đơn vị ở dưới phối hợp lập biên bản để xả. Khi có yêu cầu, chúng tôi phải chấp hành, chứ không phản đối việc này. Còn lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông được quyền đề nghị chứ không có quyền quyết định xả trạm, mà phải do Tổng cục Đường bộ quyết", vị này cho  hay.

Vị này cũng cho biết thêm trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn vốn cho vốn vay ODA, không phải là trạm thu phí BOT, trong khi hiện nay các qui định vẫn lấn cấn ở chỗ là trạm thu phí cao tốc này có phải xả trạm như trạm BOT hay không.

Mặt khác, hiện nay năng lực cao tốc đã mãn tải, ùn tắc toàn tuyến. Xả chỗ này thì kẹt chỗ kia. Về ngắn hạn, cần có một sự điều tiết tổng thể từ cả các bên như Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ, đơn vị quản lý cao tốc và địa phương hai đầu cao tốc. 

"Đường cao tốc có đầu ra và đầu vào, lưu lượng xe ra vào có thể điều tiết được. Vấn đề là các đơn vị liên quan có phối hợp với nhau hay không thôi. Trước dịp lễ, chúng tôi đã có nhiều phương án để giải quyết ùn tắc nhưng khổ một nỗi, khắp nơi đường nào cũng kẹt đành phải chịu. Không chỉ người dân đi lại khổ mà chúng tôi cũng khổ, khổ cả làng luôn", vị này nói.

Về giải pháp lâu dài, cần phải sớm đầu tư mở rộng đường cao tốc mới đảm bảo được nhu cầu đi lại hiện nay, nhất là sắp tới đây sân bay Long Thành đưa vào khai thác. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia giao thông cho rằng vướng mắc hiện nay là qui chế phối hợp để thực hiện. Năm nào dịp lễ tết, người dân cũng đều than phiền về cao tốc kẹt, chậm xả trạm. Hiện nay theo qui định, tắc trước trạm thu phí 750m là phải xả trạm, nhưng cao tốc này hiện tắc toàn tuyến, đặc biệt, cầu Long Thành là nút thắt cổ chai lại nằm quá trạm thu phí Long Phước. 

Theo chuyên gia này, đơn vị quản lý cao tốc thì lo xả trạm thì thất thoát, mất thẻ vì hướng dẫn về qui định xả trạm còn chung chung. Do đó, các bên gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, VEC cần ngồi lại với nhau để có một qui chế chung, trong đó phải nêu rõ khi nào cần xả trạm, đừng để năm nào cũng chậm trễ vì phải "đợi bên em đi xin ý kiến".

Mạnh dạn đề xuất, chuyên gia này cho hay việc tốt nhất hiện nay là các cơ quan chức năng, doanh nghiệp BOT cũng như các dự án có trạm thu phí cần kiến nghị nên xả trạm những ngày đầu cao điểm dịp lễ tết.  

"Phí chưa thu thì tiền vẫn còn đó, còn tổn thất thì giờ của hàng trăm ngàn người dân nằm chờ trên cao tốc là cực lớn. Chứ xả trạm một chút, hết ùn tắc rồi thu lại thì rất khó quản lý. Sự than phiền của người dân sẽ luôn lập lại từ năm này đến năm khác", vị này chia sẻ. 

Sẽ họp với các đơn vị để bàn phương án chống ùn tắc

Ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết sẽ tổng hợp tình hình ùn tắc ở các nơi báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Trong đó kiến nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với VEC để yêu cầu về việc chấp hành qui hành xả trạm khi ùn tắc.

"Ngày mai, Cục cũng sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để bàn giải pháp phân luồng, chống ùn tắc cho cao tốc trong những ngày sau lễ tới đây", ông Thành nói.

Tác giả bài viết: ĐỨC PHÚ

Nguồn tin: https://tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập181
  • Hôm nay12,581
  • Tháng hiện tại397,023
  • Tổng lượt truy cập11,631,847
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây