Mạng Xã Hội Việt

https://www.mangxahoiviet.vn


TP.Cần Thơ: Thua lỗ triền miên, mất vốn nhà nước (kỳ 2)

Công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai, thực hiện một cách thận trọng, công khai, minh bạch, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc như giai đoạn trước. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều kiến nghị về hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như cách làm mới đang được cơ quan chức năng đề xuất để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đi vào thực chất hơn, góp phần hoàn tất nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

 

Việc CPH tại công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (công ty Sohafood) trước đây đã để lại hậu quả nghiêm trọng từ việc buông lỏng quản lý, nguy cơ mất toàn bộ nguồn vốn nhà nước, các cổ đông khác. Hậu quả, các quyền, lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư bị xâm phạm. 

TP. Cần Thơ: Thua lỗ triền miên, mất vốn nhà nước (kỳ 2) - Ảnh 1.

Vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến việc công ty Sohafood thay đổi Người đại diện theo pháp luật – chức danh Giám đốc. Ngay ngày đầu tiên nắm giữ chức danh này, ông Nguyễn Tấn Thanh – Giám đốc, đã được ông Trần Thanh Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ưu ái lập văn bản ủy quyền với nội dung: Được ký kết các hợp đồng thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, kể cả là người bảo lãnh cho bên thứ ba với ngân hàng trong hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng. Thời hạn ủy quyền từ ngày ký (01/02/2012) đến ngày 01/02/2018? Theo quy định tại Điều 31 Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của công ty Sohafood, thông qua ngày 22/11/2004, nhiệm kỳ của mỗi thành viên HĐQT là ba năm. Phải chăng, Chủ tịch HĐQT công ty Sohafood đã biết trước ông sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị Chủ tịch của doanh nghiệp trong 02 nhiệm kỳ tới, nên mới mạnh tay ký thời hạn ủy quyền cho Giám đốc công ty được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, kể cả là người bảo lãnh cho bên thứ ba với ngân hàng với thời hạn kéo dài suốt 06 năm?

Bất kể trước đó, ngày 16/7/2011, theo nội dung Biên bản họp HĐQT của công ty Sohafood, chỉ ủy quyền cho ông Trần Thanh Long – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc được thay mặt công ty vay vốn tại ngân hàng với số tiền vay tối đa là 60 tỷ đồng và không được giữ vai trò người bảo lãnh cho bên thứ ba ký kết với ngân hàng.

Sau đó, ngày 04/02/2013, khi ông Trần Văn Trí nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT công ty, đã ban hành nghị quyết HĐQT công ty Sohafood (số 23/2013/NQ-HĐQT) để ủy quyền cho ông Nguyễn Tấn Thanh – Giám đốc làm đại diện doanh nghiệp ký kết, thực hiện các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp… với số tiền lên đến 160 tỷ đồng (!?).

Điều 96 Luật Doanh nghiệp 2005, quy định: Nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông quyết định đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định khác.

Theo khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2005: HĐQT chấp nhận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất,… thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.

Nhưng trong trường hợp này, nội dung Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 (ngày 29/9/2012) thể hiện: Tổng số vốn Điều lệ của công ty chỉ có 45 tỷ đồng, vốn tự có (tài sản) của doanh nghiệp khoảng 56 tỷ đồng, vốn hiện đang hoạt động khoảng 15 tỷ đồng nhưng Chủ tịch HĐQT vẫn "mạnh tay" ký ủy quyền cho Giám đốc được phép vay vốn ngân hàng với hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng; hạn mức chiết khấu, 1.000.000 USD với tỷ lệ chiết khấu 90% bộ chứng từ. Vượt mức giá trị tài sản doanh nghiệp hiện có trong báo cáo tài chính hơn gần 200%? Phương án chi trả vốn vay, lãi vay thực tế đã không khả thi, dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng chi trả vốn vay, lãi vay ngân hàng sau đó.

HĐQT vào cuộc, không ngăn chặn được hậu quả 

Trước và sau khi được bổ nhiệm chức danh Giám đốc công ty Sohafood (từ năm 2012 đến năm 2015), ông Nguyễn Tấn Thanh vẫn đang là chủ sở hữu và là người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH MTV Hải sản Thái Bình Dương. Một số ngàng nghề kinh doanh của doanh nghiệp này trùng khớp với hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty Sohafood.

 Từ đơn phản ánh, kiến nghị của ông H.S.H (ngày 19/7/2013), HĐQT công ty Sohafood đã tổ chức buổi họp bất thường liên quan đến các vấn đề về tình hình kinh doanh và điều hành của Ban Giám đốc làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi ích cổ đông của công ty Sohafood. Dù các thành viên trong HĐQT đã cố gắng tìm cách ngăn chặn các sai phạm đang diễn ra nhưng đáng tiếc, đã không thực hiện được. 

Biên bản họp nêu rõ: "Căn cứ vào đơn phản ánh và một số nghi vấn về sai phạm của ông Nguyễn Tấn Thanh liên quan đến việc mâu thuẫn lợi ích cổ đông, HĐQT quyết định: 

- Xem xét lại toàn bộ các giao dịch của công ty đối với các giao dịch với các bên có liên quan cụ thể là các công ty đã nêu tại Điều 1 (Công ty TNHH MTV Thái Bình Dương cũng do ông Nguyễn Tấn Thanh là chủ sở hữu và Giám đốc doanh nghiệp)

- Nếu phát hiện các sai phạm nghiêm trọng thì báo cáo ngay cho HĐQT để mời các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý theo quy định của pháp luật". 

Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 29/9/2012, thể hiện: Vốn vay: trên 80 tỷ đồng; vốn tự có (tài sản): khoảng 56 tỷ đồng; vốn hiện đang hoạt động: khoảng 15 tỷ đồng; doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2011: 497 tỷ đồng; tổng lãi trước thuế: gần 5,9 tỷ đồng; tỷ lệ lãi bình quân/ năm: 11,8%, tương đương: 0,99%/ tháng.

Năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động và vay có nhiều thay đổi lớn. Nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ngưỡng lạm phát có lúc đến 20%. Đến ngày 24/12/2012, sau 06 lần NHNN điều chỉnh giảm, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn trên mức 12%/ năm. Đã cho thấy, tiền lãi thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty Sohafood không thể nào đủ trả lãi vay ngân hàng. Huống chi nguồn vốn vay. Đơn cử, tính riêng trong năm 2011, vốn vay ngân hàng đã trên 80 tỷ đồng, trong khi tổng cộng vốn tự có (tài sản) và vốn lưu động chỉ còn khoảng 71 tỷ đồng. Thể hiện sự mất cân đối nguồn vốn của doanh nghiệp.

Theo khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2005, HĐQT doanh nghiệp chỉ được phép chấp thuận hợp đồng, giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Vậy, dựa trên cơ sở nào, Chủ tịch HĐQT công ty Sohafoof ủy quyền cho Giám đốc công ty vay theo hạn mức tín dụng cao hơn 220% vốn điều lệ của doanh nghiệp? Phải chăng, đây là nguyên nhân dẫn đến công ty Sohafood phá sản? Sự việc này, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Tại khoản 2 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty Cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác. Căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên thì một người nếu đang làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) của một công ty Cổ phần thì không được làm Giám đốc (Tổng giám đốc) cho một công ty Cổ phần, công ty TNHH hay công ty Hợp danh khác…

Dù pháp luật quy định chặt chẽ yêu cầu đối với chức vụ Giám đốc (Tổng Giám đốc) với mục đích nhằm đảm bảo sự an toàn quyền lợi của những cổ đông công ty cổ phần. Nhưng thực tế, quyền lợi của các cổ đông của công ty Sohafood có được đảm bảo sự an toàn hay không lại là câu chuyện khác. (Còn tiếp kỳ sau)

 

Tác giả bài viết: Minh Chánh - Đoàn Duy

Nguồn tin: doanhnghieptiepthi.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây