Mạng Xã Hội Việt

https://www.mangxahoiviet.vn


Nhận tiền từ thiện nhưng lấy tiêu xài hết, phạm tội gì?

Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam có nhận được thắc mắc của công dân ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nội dung công dân hỏi: “Tôi đã chuyển khoản tiền từ thiện cho ông Đ.V.A 300 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở Miền Trung, giờ tôi phát hiện nguồn tiền của tôi đã bị ông A tiêu xài cá nhân, ông A chỉ chuyển có ½ số tiền, không chuyển đi hết số tiền của tôi đã chuyển cho ông A. Nhưng khi tôi hỏi và cần những “sao kê” ngân hàng hoặc số liệu, giấy tờ để chứng minh thì ông A nói đã rút ra chuyển làm từ thiện hết rồi. Nhưng ông  A  không cung cấp giấy sao kê ngân hàng hay bất cứ giấy tờ gì để chứng minh ông A đã sử dụng vào mục đích từ thiện. Tôi muốn kiện ông A về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội ‘lừa đảo” có được không?

TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO:

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Phú – Đoàn Luật sư TPHCM - Hội viên Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam trả lời như sau:

z2744696544838 bb7ec3ff521988d2d5b54004019ac2ef (1)

Luật sư Nguyễn Thành Phú – Đoàn Luật sư TPHCM - Hội viên Hội Phổ biến và tham vấn Pháp Luật Việt Nam

CÁCH PHÂN BIỆT TỘI DANH “LỪA ĐẢO VÀ “LẠM DỤNG TIN NHIỆM”…

Giữa Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015) thì dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn là thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, nhiều trường hợp người bị hại đến trình báo cơ quan Công an tố người phạm tội là lừa đảo, nhưng thực tế, người phạm tội chỉ có hành vi gian dối đối với người bị hại để giãn nợ hoặc có hành vi gian dối để vay được tiền hoặc có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đã vay của người bị hại trước đó. Vậy trường hợp nào thì coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt, còn trường hợp nào thì coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Vụ việc cũng giống như mạng xã hội đang ồn ào “nóng bỏng” về việc chuyển tiền làm từ thiện và mục đích chi tiền không rõ ràng, nhiều cá nhân bị “tố” vì mang danh nghĩa làm từ thiện, đã nhận được tiền nhưng không chuyển đến tay người cần được hỗ trợ, lại giữ tiền sử dụng cho mục đích riêng…

Dấu hiệu chung cả hai tội danh này đều có là người phạm tội phải có hành vi “chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là chiếm đoạt thì rất phức tạp. Hiện nay có tình trạng vay, mượn trong giữa các bên hoặc có những hợp đồng vay của ngân hàng với số tiền rất lớn lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng cơ quan chức năng thì  mỗi nơi xử lý một cách khác nhau. Có nơi coi đó chỉ là quan hệ dân sự hoặc quan hệ kinh tế, có nơi truy tố về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, có nơi truy tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Về lý luận, chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch, đoạt lấy, chiếm lấy tài sản của người khác trái pháp luật, để nắm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt. Hành vi cố ý chiếm giữ tài sản của người khác với mục đích chuyển quyền sở hữu về tài sản từ của người khác sang của mình.

Nếu đã xác định có chiếm đoạt tài sản thì việc phân biệt giữa hai tội phạm này chính là thủ đoạn gian dối có trước hay sau khi người phạm tội đã nhận được tài sản của người khác. Cụ thể: Nếu “hành vi gian dối - thủ đoạn gian dối” xảy ra trước khi vay, mượn, yêu cầu chuyển tiền, rồi sau khi có được tài sản thì chiếm đoạt tài sản của người chủ sở hữu thì coi là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn nếu “hành vi – thủ đoạn gian dối” xảy ra sau khi đã có tài sản của người bị hại thì được coi là phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ví dụ: A tung tin lên mạng xã hội, các diễn đàn mạng với mục đích là huy động tiền chuyển về tài khoản anh A để đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, và B,CD.. đã chuyển tiền vào tài khoản của A để ủng hộ từ thiện, với mục đích là cứu trợ đồng bào. Sau đó B,CD…phát hiện A đã dùng tiền vào mục đích tiêu xài cá nhân (mua nhà, xe ô tô, hoặc rút ra khỏi tài khoản không rõ lý do...), lúc này A đã cầm tài sản của B.CD trong tay và xuất hiện ý nghĩ chiếm đoạt số tiền này. Trong trường hợp này, thì A có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền. Do đó, có thể định tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với A.

Việc này được xem là việc ủy quyền để làm từ thiện. Đây là một quan hệ dân sự, theo đó dựa vào uy tín, sự tin tưởng của nhau. Với những số tiền ông B,CD chuyển với nội dung để làm từ thiện (trong đợt bão lũ Miền Trung) thì buộc ông A phải thực hiện đúng cam kết như đã đưa ra từ trước đó. Về vấn đề này, nếu nhận được đơn tố cáo cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo và làm rõ có việc chuyển tiền giữa 2 bên hay không; số tiền chuyển là bao nhiêu; bao nhiêu lần chuyển tiền; mục đích mỗi lần chuyển tiền để làm việc gì; và ông A đã sử dụng tiền đó như thế nào…(?)

Trường hợp ông A, Khi nhận được đơn tố cáo cơ quan công an sẽ điều tra để xác định việc ông A “có hay không” việc ngay từ ban đầu có hành vi gian dối để ông B,CD…chuyển tiền cho mình. Nếu xác định sau khi nhận được tiền thì ông A nổi lòng tham và đã “tẩu tán” đi ½ số tiền nhận được này thì có thể xác định là Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

KHUYẾN NGHỊ: LÀM TỪ THIỆN, TỔ CHỨC THIỆN NGUYỆN ĐÚNG CÁCH, HỢP LÝ

Quan điểm các cá nhân phải tổ chức thiện nguyện đúng cách, đúng với mong muốn của các cá nhân, đoàn thiện nguyện là hàng cứu trợ được sớm tới tay người dân đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt, thì việc quan trọng trước hết là phải xây dựng và duy trì kênh kết nối với chính quyền, đoàn thể địa phương. Chính quyền các địa phương chính là nơi gần và sát dân nhất. Hoặc thông qua các tổ chức Hội chữ thập đỏ, UBMTTQ… Đây cũng là nơi nắm thông tin gia đình nào thiệt hại rõ nhất, biết rõ người dân cần gì lúc này để hỗ trợ kịp thời.

Chính vì thế, việc kết hợp với chính quyền địa phương sẽ giúp giải quyết việc phân phối hàng cứu trợ an toàn và hiệu quả tới tận tay người dân và có cơ chế giám sát riêng. Nếu cần thiết, các đoàn thiện nguyện có thể xin địa chỉ các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ từ chính quyền địa phương để tới tận nơi cứu trợ. Cùng với đó, việc duy trì kênh kết nối 2 chiều cũng giúp công tác thiện nguyện đạt hiệu quả cao nhất. Chính quyền địa phương có thể đề nghị các nhà thiện nguyện ủng hộ các mặt hàng thiết yếu nhất, cần thiết để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, thay vì các loại thực phẩm ăn sẵn, thời vụ.

Như vậy, để tố giác ông A, bạn cần xem xét đầy đủ các điều kiện thỏa thuận trước khi chuyển tiền cho bên A cũ thể là như thế nào. Trên cơ sở xác định “Hành vi, ý chí, mối quan hệ nhân quả” của các Tội danh được quy định tại điều 174, 175 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017),  kết hợp các giấy tờ, chứng cứ đính kèm thì mới đủ cơ sở để Cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, khởi tố vụ án hình sự  để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bạn.

 LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỐ 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018)
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (BLHS 2017 - Sửa đổi, bổ sung Điều 175 BLHS 2015)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.

 

 

 

 

Tác giả bài viết: ĐỨC HẢI - Trưởng Ban Truyền thông - Trung tâm Tư vấn Pháp luật tại TP. Hồ Chí Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây