Mạng Xã Hội Việt

https://www.mangxahoiviet.vn


Hội nghị Trung ương 14: Giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII là rất hệ trọng, liên quan đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới
Hội nghị Trung ương 14: Giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Ngày 14-12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 14) đã chính thức khai mạc.

Dự thảo văn kiện phản ánh được tâm tư, nguyện vọng

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số vấn đề có tính gợi mở để Trung ương cùng thảo luận, xem xét, quyết định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết tính đến ngày 20-11-2020, đã có 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội Đảng bộ các cấp (bao gồm cả đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện) đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Từ ngày 20-10 đến ngày 10-11-2020, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào ở nước ngoài cũng đã hoan nghênh và nhiệt tình tham gia góp ý kiến, gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình đại hội.

Hội nghị Trung ương 14: Giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự hội nghị Ảnh: TTXVN

Phần lớn các ý kiến cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, bảo đảm chất lượng; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn. Đồng thời, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; có nhiều điểm mới; thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng; phản ánh khách quan, toàn diện, sát với tình hình thực tế những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo được tình hình, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới trong thời gian tới. Từ đó, xác định đúng và trúng những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khá cụ thể để phát triển đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng. Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi thêm một số nội dung, câu chữ cụ thể, hoặc kiến nghị phân tích sâu hơn, diễn đạt rõ ràng, cụ thể hơn những kết quả đã đạt được; những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; rà soát, đối chiếu, điều chỉnh một số điểm chưa nhất quán giữa các văn kiện. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chưa tán thành hoặc chưa nhất trí cao với một số nội dung cụ thể. Cá biệt, có ý kiến đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. Đối với những luận điệu sai trái này, báo chí, công luận đã kịp thời phản bác, bị nhân dân phê phán, dư luận xã hội không đồng tình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào báo cáo tiếp thu, giải trình và toàn văn các dự thảo văn kiện với tinh thần thật sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau. Đồng thời, cần tỏ rõ chính kiến và có lập luận sắc bén, xác đáng để phản bác những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Từ đó, xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc lên trên hết

Về việc giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị (BCT), Ban Bí thư (BBT) khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay thực hiện phương hướng công tác nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 13 vừa qua, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên Trung ương chính thức, Ủy viên Trung ương dự khuyết và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Ngay sau Hội nghị Trung ương 13, căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự, BCT, BBT, ý kiến phát hiện, giới thiệu của BCHTƯ, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 2-11, BCT đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt quy hoạch BCT, BBT khóa XIII. Tiểu ban Nhân sự và BCT đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự BCT, BBT một số khóa gần đây (về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm) và rút ra các bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự BCT, BBT khóa XIII. Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và BCT đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra.

Tại hội nghị lần này, BCT sẽ báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự BCT, BBT khóa XIII (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm). Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia BCT, BBT khóa XIII. Việc chuẩn bị nhân sự BCT, BBT khóa XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội XIII của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng Ủy viên Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ tờ trình của BCT và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ, cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu quyết định giới thiệu nhân sự tham gia BCT, BBT khóa XIII.

Về dự thảo quy chế làm việc (QCLV) và quy chế bầu cử (QCBC) tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh BCT đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban và cơ quan của Trung ương Đảng nghiên cứu, rà soát lại QCLV, QCBC tại các kỳ đại hội trước (từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng); tổng kết, đánh giá việc thực hiện QCLV và quy định về sinh hoạt của đại biểu tại đại hội (ở các Đại hội XI và XII) và đánh giá việc thực hiện QCBC trong Đảng do BCHTƯ khóa XI ban hành, đã được thực hiện có kết quả tốt đẹp tại đại hội Đảng bộ các cấp.

Trên cơ sở đó, BCT xây dựng dự thảo QCLV và dự thảo QCBC tại đại hội lần này và hôm nay trình Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Đại hội XIII xem xét, quyết định. Tinh thần chung là phải phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu; đồng thời, phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, các quy định, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, trách nhiệm của cá nhân mỗi đại biểu dự đại hội, đặc biệt là vai trò nêu gương của các Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII và các trưởng đoàn. 

Thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Hội nghị lần thứ 14 BCHTƯ Đảng khóa XII đã khai mạc sáng 14-12, tại thủ đô Hà Nội. Ủy viên BCT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt BCT điều hành chương trình ngày làm việc thứ nhất.

Buổi sáng: BCHTƯ Đảng họp phiên khai mạc tại hội trường. Ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên BCT, Thường trực BBT - báo cáo, xin ý kiến BCHTƯ Đảng về chương trình Hội nghị lần thứ 14 BCHTƯ Đảng khóa XII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Trần Quốc Vượng đọc Báo cáo của BCT tiếp thu và giải trình những ý kiến đóng góp của đại hội Đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - đọc Báo cáo của BCT tiếp thu và giải trình những ý kiến đóng góp vào các dự thảo Báo cáo Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Báo cáo Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025 trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - đọc Báo cáo của BCT tiếp thu và giải trình những ý kiến với dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng.

Ông Trần Quốc Vượng đọc Tờ trình của BCT về xây dựng Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCHTƯ Đảng khóa XII và Báo cáo tổng kết thực hiện QCLV của BCHTƯ Đảng, BCT và BBT khóa XII.

Ông Phạm Minh Chính đọc Tờ trình của BCT về dự thảo QCLV của Đại hội XIII của Đảng, Tờ trình của BCT về dự thảo QCBC tại Đại hội XIII của Đảng; Tờ trình của BCT về nội dung, thời gian và Chương trình Đại hội XIII của Đảng.

Buổi chiều: Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Tác giả bài viết: Thế Dũng

Nguồn tin: nld.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây