Mạng Xã Hội Việt

https://www.mangxahoiviet.vn


Sử dụng nguồn nước ngọt khôn ngoan

Ngày 12-11, tại TP Cần Thơ, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn về quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chuyên đề “Nước - định hướng chiến lược cho vùng ĐBSCL”. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận khá sâu về hiện trạng và định hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước toàn vùng, nhằm tiến tới việc quản lý nguồn nước một cách khôn ngoan.

 

Cống Trà Sư - công trình điều tiết lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên

Cống Trà Sư - công trình điều tiết lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên

Đối diện nhiều thách thức 

“ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như việc khai thác, sử dụng nguồn nước quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng. Đặc biệt là biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, mất cân bằng sinh thái, sụp lún đất, sạt lở bờ sông, ngập lụt ở các đô thị… gây ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân” - ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhận định. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận khá sâu về hiện trạng và định hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở vùng ĐBSCL. Theo đó, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL trung bình năm 475 tỷ m³ (mùa mưa 76%, mùa khô 24%). Tổng lượng phù sa 150 triệu tấn/năm. Nước lũ mang phù sa từ dòng chính và vùng ngập Campuchia chảy vào bồi đắp cho đồng bằng. Nước được trữ lại tại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nước ngọt đẩy ranh mặn sát về phía biển. Tuy nhiên, nhiều tác động từ các đập thủy điện xây dựng trên dòng Mê Công đã làm đảo lộn hệ sinh thái vùng ĐBSCL. PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo: “Nguồn nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm, các tầng nước sâu được khai thác chủ yếu, nhưng nước ở tầng sâu khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt, dễ dẫn đến rủi ro cạn kiệt. Hiện trạng tổng lượng nước ngầm khai thác trên 2 triệu m³/ngày được đánh giá là quá mức, có thể dẫn tới sụp lún ở ĐBSCL”. Cùng với các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mê Công tạo ra mối lo ngại suy giảm phù sa, sụp lún đồng bằng, sạt lở bờ sông, bờ biển; gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng hơn… Những tác động này kéo theo hệ lụy làm rối loạn hệ thống sinh thái, phù sa không còn bồi đắp, suy thoái đất, sản xuất nông nghiệp giảm năng suất, ô nhiễm, tù đọng…

Cần quy hoạch quản lý nguồn nước cấp vùng

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: “ĐBSCL cần tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Phải xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Các địa phương và Bộ NN-PTNT cần chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy chạy theo số lượng sang chú trọng chất lượng. Sắp xếp lại, ưu tiên sang thủy sản, hoa màu và các loại cây trồng khác. Không nên mở rộng các vùng lấn ngọt vào vùng mặn”. 

Đồng tình với ý kiến trên, các nhà khoa học cho rằng, để quản lý hạ tầng ngành nước trong quy hoạch vùng ĐBSCL cần phân vùng quản lý. Chia vùng ĐBSCL thành ba tiểu vùng: Vùng nước ngọt - lùi vùng nước ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp; vùng chuyển tiếp - chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết không ngăn mặn; vùng mặn - tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái. Đê bao khép kín dẫn đến thoái hóa đất. Trong đó, cần phục hồi không gian hấp thu lũ, tăng diện tích thủy sản nước ngọt; bỏ lúa vụ 3, xả lũ vào ruộng, phát triển sinh kế dựa vào lũ.

“Việc giải quyết các vấn đề của ĐBSCL cần phải đặt trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn. Cần lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển” -  ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: VP VIT

Nguồn tin: itop.tvmoitruongsuckhoe.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây