Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”

 Admin    Thứ ba - 26/04/2022 04:51
Ngày 23/4/2022, tại Ba Vì- Hà Nội, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”.

Ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (Hội GDCSSKCĐ Việt Nam) và ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo Khoa học có PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế; ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế; TS. Hoàng Thị Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TP Hà Nội cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý, các Thầy thuốc, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam nêu rõ: “Với tôn chỉ, mục đích đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp GDCSSKCĐ, nâng cao chất lượng nòi giống, Hội phấn đấu cùng cộng đồng nâng cao sức khoẻ thể chất, môi trường và tinh thần; trong mục tiêu CSSK chủ động, phòng bệnh có các giải pháp dưỡng thân, dưỡng chất và dưỡng tâm. Do vậy, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam xác định coi công tác bảo tồn, phát triển nguồn liệu cũng là mối quan tâm, là trách nhiệm của Hội, của tất cả mọi thành viên, hội viên, để từ đó có những kiến nghị, giải pháp và bằng hành động thiết thực, hiệu quả đóng góp vào lĩnh vực quan trọng này”.

Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”: Nhìn thẳng vào khó khăn, đề xuất nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội Giáo dục CSSKCĐ Việt Nam khai mạc Hội thảo

“Các văn bản chỉ đạo về dược liệu đã chỉ rõ, Việt Nam phải chủ động nguồn dược liệu; bảo tồn đa dạng nguồn gen cây thuốc kết hợp với khai thác và phát triển dược liệu ổn định bền vững là nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong cả nước. Trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đã có chính sách quốc gia về thuốc Y học cổ truyền và chiến lược hiện đại hóa nền Y học cổ truyền Việt Nam. Công tác “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu Việt Nam” cần phải có sự quan tâm, chung tay của cộng đồng các tổ chức Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân vì sức khỏe cộng đồng”, Chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Cảm nhận rõ nhất của mọi người theo dõi Hội thảo là được các nhà khoa học, các chuyên gia chia sẻ một sự thật rất đáng lo ngại về thực trạng nguồn dược liệu Việt Nam. Tham luận “ Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khỏe cộng đồng- Đề xuất phát triển bền vững” của ThS. Ngô Quốc Luật, Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt cho biết “Nạn phá rừng, khai thác bừa bãi, không và chưa có kế hoạch tái sinh phát triển, nhiều loài cây thuốc hoang dại mọc tự nhiên bị tàn phá, vốn quý đa dạng sinh học cây thuốc, dược thảo ngày càng có nguy cơ cạn kiệt. Các loài cây thuốc được thuần hóa từ di thực nội nhập giảm sút bởi tính cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Công nghệ chế biến dược liệu sau thu hoạch không được quan tâm, mẫu mã sản phẩm, chất lượng hàng hóa không cạnh tranh nổi với dược liệu nước ngoài tràn vào”.

Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”: Nhìn thẳng vào khó khăn, đề xuất nhiều giải pháp

Quang cảnh hội thảo

PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội, Chuyên gia cao cấp Công ty CP Dược khoa với Tham luận “Chiến lược phát triển dược liệu Việt Nam” cũng chỉ ra các tồn tại, bất cập và nguyên nhân đối với sự phát triển của cây dược liệu Việt Nam. PGS.TS Trần Văn Ơn nhìn nhận, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch và dành nhiều nguồn lực cho phát triển dược liệu nhưng đến nay, việc phát triển dược liệu ở Việt Nam vẫn không thực sự phát triển như mong muốn. Thị trường của dược liệu nước ta giới hạn ở trong nước, lại phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thường đuối sức hơn.

Tác giả bản tham luận cũng nêu rõ 8 nguyên nhân gây nên “Những thách thức trong việc phát triển dược liệu ở Việt Nam theo chuỗi giá trị”, theo đó, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia cần quan tâm nhằm tìm ra giải pháp, biện pháp tháo gỡ.“Chúng ta thiếu giống đủ tốt để mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm tăng sức cạnh tranh, đủ nhiều để có thể sản xuất ở quy mô thích hợp; thiếu kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hái, chế biến tốt nhất nhằm tạo ra dược liệu hàng hóa chất lượng cao nhất, có hiệu quả kinh tế”, ông Trần Văn Ơn băn khoăn. Bên cạnh những hạn chế, thách thức, PGS-TS Trần Văn Ơn đã nêu lên các “Đề xuất chiến lược phát triển dược liệu VN”, các đề xuất này được tác giả chỉ ra rất cụ thể và hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Với tham luận “Khoa học công nghệ trong phát triển dược liệu Việt Nam” PGS.TS. Trần Thị Oanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục KH-CN và Đào tạo, Bộ Y tế cũng chỉ ra thực trạng: Nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực hóa sinh, nông nghiệp, thực phẩm, sinh thái, môi trường tham gia vào nghiên cứu trên đối tượng dược liệu chưa tạo ra các giải pháp khoa học công nghệ phù hợp với tính chất của dược liệu và thiếu tính thực tiễn. Thiếu các nhà máy sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu với dây chuyền sản xuất đồng bộ, tiền tiến và hiện đại để sản xuất các sản phẩm hoạt chất tinh khiết, cao toàn phần từ dược liệu đạt chất lượng. Trên cơ sở thực trạng với những hạn chế, khó khăn, tác giả đề xuất các giải pháp: Đầu tư NCKH về cây thuốc và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển dươc liệu từ việc tiếp cận chia sẻ thông tin để truy xuất nguồn gốc dược liệu, quản lý các yếu tố đầu vào (hệ thống phần mềm đánh giá chất lượng) đến theo dõi, giám sát quy trình trồng, chăm sóc (bằng hệ thống máy cảm biến và máy tính chủ trung tâm), khâu sơ chế, đóng gói tự động, vận chuyển, lưu trữ và lưu hành sản phẩm với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin dữ liệu lớn (big data). Tiếp tục nghiên cứu đánh giá giá trị Y học của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chiết xuất, xác định thành phần dược chất, bào chế các dạng sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tập trung vào các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”: Nhìn thẳng vào khó khăn, đề xuất nhiều giải pháp
Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm với ban lãnh đạo Hội Giáo dục CSSKCĐ Việt Nam

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã theo dõi tham luận "Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khỏe cộng đồng - Đề xuất giải pháp phát triển bền vững" của Ths. Ngô Quốc Luật, Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt; tham luận "Quản lý dược liệu và sản phẩm từ dược liệu" của TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế; tham luận "Bảo tồn, phát triển và sử dụng cây thuốc Nam vì sức khỏe cộng đồng tại Yên Bái" của TTND,TS-BS Đào Thị Ngọc Lan, GĐ Trung tâm KH-CN chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái… Nhận xét về nội dung cuộc Hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định “thành công hơn mong đợi”. Qua Hội thảo càng thấy được tinh thần trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các thầy thuốc đã “mổ xẻ” thực trạng về dược liệu với thái độ thẳng thắn, khách quan. Đặc biệt, có nhiều giải pháp được đề xuất rất giá trị là cơ sở giúp cho chúng ta có niềm tin vững chắc, từng bước tháo gỡ khó khăn, thách thức.

Sau khi lắng nghe các tham luận,đặc biệt quan tâm về các kiến nghị, đề xuất của các nhà Khoa học, PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế cảm ơn và hoan nghênh sáng kiến của Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đã tổ chức cuộc Hội thảo có ý nghĩa thiết thực và bổ ích này. Ông bày tỏ sự đồng tình trước những vấn đề mà các diễn giả nêu lên tại Hội thảo liên quan tới trách nhiệm của Cục, của các Bộ, ban ngành. Với cương vị của mình, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh khẳng định sẽ tiếp thu, xem xét, nghiên cứu các ý kiến tâm huyết, giá trị của các nhà khoa học, các Thầy thuốc, doanh nghiệp để có những giải pháp tích cực, tháo gỡ khó khăn.

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS.Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội GDCSSKCĐ Việt Nam nhấn mạnh, các tham luận trình bày tại Hội thảo cũng như đã in trong Kỷ yếu đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao và bản lĩnh của các nhà quản lý, các nhà Khoa học, các doanh nhân đối với sự nghiệp bảo tồn, phát triển, khai thác, sử dụng cây dược liệu Việt Nam nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các vấn đề đã được nêu ra tại Hội thảo với hàm lượng khoa học cao đã thực sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự, đem lại thành công hết sức tốt đẹp cho Hội thảo.

Sau khi bày tỏ niềm cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu về tham dự Hội thảo, cảm ơn Công ty CP Ao Vua đã hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức Hội thảo,TS. Nguyễn Thiện Trưởng khẳng định, những kiến nghị, đề xuất quý báu của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” sẽ là một trong những nội dung quan trọng để lãnh đạo Hội GDCSSKCĐ Việt Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp và làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hội GDCSSKCĐ VN, dự kiến sẽ được tổ chức trong một ngày gần đây.

 

Tác giả bài viết: TỪ NGỌC LANG

Nguồn tin: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay5,234
  • Tháng hiện tại108,828
  • Tổng lượt truy cập13,515,650
THĂM DÒ Ý KIẾN

Top mạng xã hội cập nhật xu hướng, tin tức, giải trí phổ biến 2020?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây