Hủy dự án 'treo', quyền lợi dân còn lơ lửng

 myhoang    Thứ tư - 23/12/2020 09:11
Thực tế dự án “treo”, quy hoạch “treo” kìm hãm quyền lợi nhà đất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân nhiều năm qua.
Dự án khu “tam giác vàng” Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) bị hủy bỏ vì chậm triển khai /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Dự án khu “tam giác vàng” Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) bị hủy bỏ vì chậm triển khai

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, việc xóa “treo” được thực hiện nhỏ giọt, không hiếm trường hợp quy hoạch chồng quy hoạch, dự án chồng dự án gây ra bức xúc.

HĐND TP.HCM kỳ họp cuối năm 2020 đã ra nghị quyết hủy 61 dự án (DA) trên địa bàn TP vì chậm triển khai. Tuy nhiên trong đó, theo ghi nhận của Thanh Niên, có một số DA phục hồi ngay quyền lợi của người dân về nhà đất, nhưng cũng có DA “treo” sẽ tiếp tục chồng DA mới...

Trả quyền lợi cho người dân

Nằm sát công viên 23.9 (Q.1), DA khu “tam giác vàng” Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (P.Phạm Ngũ Lão) dù đã lựa chọn được nhà đầu tư theo hình thức giao đất từ năm 2008, nhưng sau đó kết quả bị hủy bỏ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Đến năm 2016, DA được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của Q.1, sau đó Sở KH-ĐT được giao chuẩn bị thủ tục đấu thầu DA, với chi phí đầu tư xây dựng khoảng hơn 7.600 tỉ đồng. Đến cuối năm 2018, Sở TN-MT đưa DA này vào danh sách chưa triển khai sau 3 năm và trình UBND TP.HCM đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Thế nhưng, phải mất gần 2 năm sau, DA này mới chính thức bị hủy bỏ bằng một nghị quyết của HĐND TP.HCM. 12 năm qua, người dân ở DA này khổ sở vì không thể xây dựng nhà cửa khang trang như những khu vực khác. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND Q.1, thông tin DA khu “tam giác vàng” Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học đã được HĐND TP.HCM hủy bỏ nên các quyền lợi về đất đai được phục hồi như trước, người dân được phép xây dựng sửa sang nhà cửa bình thường.

Trong số 10 DA thuộc danh mục có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa được xóa “treo” đợt này, có 4 DA nằm trên địa bàn Q.9. Cụ thể, DA khu nhà ở Long Phước Garden (P.Long Phước) bị hủy bỏ do có một hộ dân lấn chiếm đang chờ giải quyết tranh chấp. 3 DA khác bị hủy bỏ cùng chung lý do, là “chưa có chấp thuận đầu tư theo quy định luật Đầu tư (sửa đổi) và chủ đầu tư không đăng ký nhu cầu sử dụng đất”, bao gồm: khu biệt thự Sanctuary Cove (P.Phú Hữu), khu chung cư Mỹ Thịnh Phú (P.Phú Hữu và Phước Long B), khu chung cư Cienco 585 (P.Trường Thạnh).

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q.9, thông tin sau khi có nghị quyết của HĐND TP.HCM, các sở ngành tùy theo thẩm quyền sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện các bước tiếp theo nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Về hướng xử lý cụ thể sắp tới, ông Bảy cho biết sẽ công bố công khai các DA bị hủy bỏ đến người dân, đồng thời Phòng Quản lý đô thị Q.9 sẽ rà soát lại các DA và xin ý kiến cộng đồng dân cư, báo cáo Sở QH-KT về quy hoạch của các DA để điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Sau khi được chấp thuận, trên nền quy hoạch mới, quận sẽ hướng dẫn người dân sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt, nếu là đất ở thì hướng dẫn chuyển sang đất ở.

Tại Q.8, đối với DA chỉnh trang đô thị Rạch Ụ Cây (thuộc 3 phường: 9, 10 và 11) bị “treo” từ năm 2010 và được xóa “treo” đợt này, ông Phạm Quang Tú, Phó chủ tịch UBND Q.8, cho biết đang xem xét điều chỉnh quy hoạch khu vực này nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trong phạm vi DA.

Dự án chồng dự án, quyền lợi dân vẫn “treo”

Trong danh sách các DA bị hủy bỏ do chậm triển khai còn có hàng loạt DA giao thông quan trọng, giải quyết ùn tắc giao thông cho TP.HCM như mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến ngã sáu Gò Vấp, Q.Gò Vấp); nâng cấp, mở rộng QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, Q.Thủ Đức); nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường, hẻm ở Q.6, Q.7, Q.Thủ Đức, H.Củ Chi…

Trong đó, DA nâng cấp, mở rộng QL13 dài khoảng 4,6 km nằm ở cửa ngõ đông bắc TP.HCM, nối với Bình Dương và Bình Phước đã bị “treo” gần 20 năm. Sau nhiều lần điều chỉnh quy mô mở rộng mặt đường, DA vẫn án binh bất động rồi cuối cùng vừa bị “khai tử”. Điều oái oăm là dù DA này bị hủy bỏ nhưng quyền lợi về nhà đất của người dân trên tuyến đường này vẫn chưa thể được phục hồi mà tiếp tục bị kìm hãm bởi một DA khác.

Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 do Sở GTVT lập đề án, DA mở rộng QL13 là một trong các tuyến quốc lộ, kết nối vùng cần được đầu tư cấp thiết nhằm giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông... Dự kiến, QL13 được mở rộng lên 53 - 60 m, tổng mức đầu tư khoảng 9.992 tỉ đồng từ ngân sách, trong đó chi phí xây lắp chỉ có 1.380 tỉ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí khác.

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở GTVT), lý giải DA mở rộng QL13 trước đây dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhưng do hết thời gian thực hiện mà chưa triển khai được nên phải thu hồi DA. Sở GTVT đã báo cáo UBND TP.HCM xin chủ trương chuyển DA này sang đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Ông Trung khẳng định việc hủy bỏ DA này không có nghĩa là người dân được xây ra đến tận mép đất sát QL13, mà còn phải căn cứ theo quy hoạch.

Phải lắng nghe dân trong quy hoạch

Trả lời Thanh Niên về việc các DA bị hủy bỏ thì quy hoạch có bị hủy bỏ hay không, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, nói: “Trong phát triển đô thị, quy hoạch buộc phải có và không thể hủy bỏ, nếu không khả thi thì điều chỉnh”. Theo ông Nhã, việc hủy bỏ các DA chậm triển khai do Sở TN-MT tham mưu trình UBND TP.HCM hoặc HĐND TP.HCM hủy bỏ, Sở QH-KT chỉ rà soát các quy hoạch. Ông Nhã khẳng định việc rà soát quy hoạch là do các quận, huyện thực hiện; nếu xét thấy quy hoạch không phù hợp thì các địa phương báo lên, Sở QH-KT phối hợp các sở ngành khác rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, khả thi.

“Không ai chịu trách nhiệm là điều vô lý”

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TP.HCM, nhìn nhận các DA sau 3 năm không triển khai, chứng tỏ khâu lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư “lệch pha” về quy mô và tầm vóc. DA bị hủy vì không có khả năng thực hiện, chứng tỏ quy hoạch chưa đạt. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều DA bị hủy bỏ, nhưng quy hoạch lại giữ nguyên khiến quyền lợi người dân tiếp tục bị kìm hãm.

“Khi quy hoạch không còn ý nghĩa nữa thì tự bản thân nó đã mất giá trị. Do vậy, cần phải có giải pháp ngay như chuyển thành một quy hoạch mới hoặc xóa luôn quy hoạch đó để phục hồi quyền lợi người dân”, TS Thắng đề nghị và nói thêm: “Lâu nay người dân chưa được tham khảo về lập quy hoạch đó nên sắp tới phải làm bài bản, phải lấy ý kiến người dân về công tác lập quy hoạch”.

Theo TS Thắng, việc các quy hoạch liên tục “đẻ” ra và kìm hãm quyền lợi về nhà đất của người dân nhưng “không ai chịu trách nhiệm là điều vô lý”. Do vậy, khi lập quy hoạch phải đưa ra những tiêu chí cụ thể để xác định trách nhiệm thuộc về ai, do cán bộ công quyền lập quy hoạch không khả thi hay nhà đầu tư năng lực kém. 

Tại hội thảo khoa học “Tiềm năng phát triển đô thị Q.3” diễn ra hôm qua (22.12), ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận công tác lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là quá trình phức tạp, cần thời gian nhất định nên cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ, tạo ra sản phẩm quy hoạch tốt để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia, tạo nguồn lực phát triển. Nếu không đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: nhà nước, người dân, nhà đầu tư thì không nhận được sự đồng thuận của người dân, kìm hãm nhà đầu tư, đồ án quy hoạch mất khả thi và dẫn đến quy hoạch “treo”.

Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị sắp tới TP.HCM không những bám sát và phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên mà phải thấu hiểu những nhu cầu chính đáng của người dân, chịu ảnh hưởng quy hoạch. “Phải thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch. Phải tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện quy hoạch, tự giác chấp hành và giám sát việc thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, chính quyền cần kịp thời điều chỉnh bổ sung những chính sách đảm bảo quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp”, ông Hoan nêu quan điểm.

Tác giả bài viết: Sỹ Đông

Nguồn tin: https://thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay4,163
  • Tháng hiện tại44,198
  • Tổng lượt truy cập14,153,710
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây